Giai đoạn mở đầu Trận_Nam_Kinh

Nhật Bản quyết định chiếm Nam Kinh

Cuộc xung đột được gọi là chiến tranh Trung – Nhật bắt đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 1937. Từ một cuộc giao tranh nhỏ tại cầu Lư Câu đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa quân Trung Quốc và Nhật Bản ở Hoa Bắc.[8] Tuy nhiên, Trung Quốc muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện ở phía bắc nên quyết định mở mặt trận thứ hai bằng cách tấn công các đơn vị quân Nhật tại Thượng Hải thuộc Hoa Trung.[8] Quân Nhật đáp trả lại bằng việc điều động Binh đoàn Viễn chinh Thượng Hải do tướng Matsui Iwane chỉ huy nhằm đánh đuổi quân Trung Quốc ra khỏi Thượng Hải.[9] Cuộc chiến tại Thượng Hải diễn ra quyết liệt đến mức Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật Bản (cơ quan chính phủ phụ trách các hoạt động quân sự) phải liên tục tăng viện cho binh đoàn viễn chinh. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 11, một đội quân hoàn toàn mới là Quân đoàn 10 do Trung tướng Yanagawa Heisuke chỉ huy đổ bộ xuống vịnh Hàng Châu, ngay phía nam Thượng Hải.[9]

Mặc dù sự xuất hiện của Quân đoàn 10 đã thành công trong việc buộc quân Trung Quốc phải rút lui khỏi Thượng Hải nhưng Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật Bản muốn quyết định áp dụng chính sách không gia tăng động thái thù địch nhằm kết thúc chiến tranh.[10] Vào ngày 7 tháng 11 trước đó, lãnh đạo thực tế của Bộ là Tada Hayao đã vạch ra "đường giới hạn tác chiến" để ngăn cản lực lượng rời khỏi khu vực lân cận Thượng Hải, hay cụ thể hơn là đi về phía tây đến thành phố Tô ChâuGia Hưng.[11] Thành phố Nam Kinh cũng cách Thượng Hải 300 km (186 dặm) về phía tây.[11]

Tướng Matsui Iwane của quân Nhật

Tuy nhiên, có sự bất đồng về quan điểm nổ ra giữa chính phủ Nhật Bản và hai đội quân dã chiến của họ là Binh đoàn Viễn chinh Thượng Hải và Quân đoàn 10. Về danh nghĩa, cả hai đội quân đều nằm dưới sự kiểm soát của Phương diện quân Trung tâm Trung Quốc do tướng Matsui chỉ huy.[12] Matsui đã nói rõ với cấp trên là ngay trước khi rời Thượng Hải, ông muốn hành quân đến Nam Kinh.[13] Ông tin rằng việc chinh phục thành phố Nam Kinh sẽ kích động sự sụp đổ của toàn bộ chính phủ Trung Hoa Dân quốc và qua đó, Nhật Bản sẽ giành thắng lợi nhanh chóng và tuyệt đối trong toàn bộ cuộc chiến tranh Trung – Nhật.[13] Yanagawa cũng ham muốn chinh phục Nam Kinh nên ông cùng với Matsui đều cảm thấy khó chịu khi bị Bộ Tổng tham mưu quân đội áp đặt "đường giới hạn tác chiến".[12]

Vào ngày 19 tháng 11, Yanagawa ra lệnh cho Quân đoàn 10 truy đuổi những lực lượng Trung Quốc đang rút lui qua khỏi "đường giới hạn tác chiến" đến Nam Kinh. Hành động này của Yanagawa rõ ràng thể hiện sự bất tuân thượng lệnh.[14] Khi Tada phát hiện ra chuyện này vào ngày hôm sau, ông ra lệnh cho Yanagawa dừng lại ngay lập tức nhưng bị phớt lờ. Matsui cố gắng kiềm chế Yanagawa nhưng cũng nói cho Yanagawa rằng ông ta có thể gửi một số đơn vị tiến công vượt quá đường giới hạn.[9] Trên thực tế, Matsui đánh giá cao hành động của Yanagawa[15] vài ngày sau, ngày 22 tháng 11, Matsui gửi một bức điện khẩn cấp cho Bộ tổng tham mưu quân đội nhấn mạnh rằng:

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách nhanh chóng, chúng ta cần phải lợi dụng việc kẻ thù lúc này đang mất dần vận may và đánh chiếm Nam Kinh... Nếu chúng ta cứ mãi đứng lại phía sau đường giới hạn tác chiến này, chúng ta không chỉ làm trôi vụt cơ hội thăng tiến mà còn góp phần khích lệ kẻ thù phục hồi sức mạnh cũng như sĩ khí chiến đấu. Ngoài ra, còn có nguy cơ là tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn để [có thể] bẻ gãy hoàn toàn ý chí chiến đấu của kẻ địch.

— Matsui Iwane, [16]

Ngày càng có nhiều đơn vị Nhật tiếp tục vượt qua đường giới hạn tác chiến trong khoảng thời gian này. Tada cũng đang chịu nhiều áp lực từ Bộ tổng tham mưu quân đội.[12] Nhiều đồng sự và cấp dưới của Tada, bao gồm cả Tổng tham mưu trưởng Shimomura Sadamu đều thay đổi quan điểm theo Matsui và muốn Tada phê chuẩn việc tấn công vào Nam Kinh.[14] Vào ngày 24 tháng 11, Tada cuối cùng đành nhượng bộ và bãi bỏ đường giới hạn tác chiến "do tình hình vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta". Vài ngày sau, ông miễn cưỡng chấp thuận chiến dịch đánh chiếm Nam Kinh.[12] Tada đích thân bay đến Thượng Hải vào ngày 1 tháng 12 để ban hành mệnh lệnh[17] mặc dù lúc đó, những đội quân của ông trên chiến trường đã sẵn sàng đến Nam Kinh.[12]

Trung Quốc quyết định phòng thủ Nam Kinh

Vào ngày 15 tháng 11, lúc gần kết thúc trận Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng tối cao thuộc Ủy ban Quân sự để lên kế hoạch chiến lược, bao gồm quyết định về những việc cần làm trong trường hợp Nhật Bản tấn công Nam Kinh.[18] Tại cuộc họp, Tưởng nhấn mạnh một cách kiên quyết là phải xây dựng một lực lượng phòng thủ vững chắc ở Nam Kinh. Tưởng lập luận giống như trong trận Thượng Hải rằng nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ nhận viện trợ từ các cường quốc nếu họ chứng minh được ý chí chiến đấu trên chiến trường và khả năng kháng Nhật.[18] Ông cũng lưu ý rằng việc nắm giữ Nam Kinh sẽ giúp cho các cuộc đàm phán hòa bình của Trung Quốc, mà ông muốn đại sứ Đức Oskar Trautmann làm trung gian, trở nên vững chắc hơn.[18]

Tưởng vấp phải sự phản đối gay gắt từ các sĩ quan của ông, bao gồm cả Tham mưu trưởng đầy quyền lực của Ủy ban Quân sự là Hà Ứng Khâm, Tham mưu phó Bạch Sùng Hy, lãnh đạo Quân khu 5 Lý Tông Nhân và cố vấn người Đức Alexander von Falkenhausen.[18][19][20] Họ cho rằng quân đội Trung Quốc cần thêm thời gian để hồi phục sau những tổn thất tại Thượng Hải và chỉ ra rằng Nam Kinh rất khó phòng thủ về mặt địa hình.[18] Địa hình chủ yếu là dốc thoải ở mặt tiền của Nam Kinh sẽ giúp cho phe tấn công dễ dàng tiến vào thành phố. Phía sau thành phố là con sông Trường Giang sẽ ngăn cản đường rút lui của phe phòng thủ.[19]

Tướng chỉ huy Lực lượng Đồn trú Nam Kinh Đường Sinh Trí

Tuy nhiên, Tưởng ngày càng trở nên kích động trong suốt trận Thượng Hải, thậm chí còn tức giận tuyên bố rằng ông sẽ ở lại Nam Kinh một mình và đích thân chỉ huy lực lượng phòng thủ.[19] Nhưng ngay sau khi Tưởng tin rằng bản thân ông hoàn toàn bị cô lập thì tướng Đường Sinh Trí đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của Tưởng, mặc dù có nhiều luồng quan điểm cho rằng liệu Đường có thật sự nhảy vào giúp Tưởng không hay chỉ miễn cưỡng làm vậy.[18][19] Tưởng Giới Thạch nắm bắt sự ủng hộ của Đường và thành lập Lực lượng Đồn trú Nam Kinh vào ngày 20 tháng 11, giao cho Đường quyền chỉ huy lực lượng này vào ngày 25 tháng 11.[19] Vào ngày 30 tháng 11, Đường nhận được mệnh lệnh từ Tưởng là "bảo vệ các tuyến phòng thủ đã thiết lập bằng bất cứ giá nào tiêu diệt lực lượng vây hãm của quân thù".[19]

Mặc dù cả hai người đều tuyên bố công khai rằng họ sẽ tử thủ tại Nam Kinh đến "tận người cuối cùng"[21][22] nhưng họ đều nhận thức được tình thế bấp bênh của mình.[19] Trong cùng ngày thành lập Lực lượng Đồn trú, Tưởng chính thức dời thủ đô từ Nam Kinh đến Trùng Khánh ở sâu trong nội địa Trung Quốc.[23] Hơn thế nữa, cả Tưởng và Đường thỉnh thoảng đưa ra chỉ thị không thống nhất với nhau cho cấp dưới về việc liệu nhiệm vụ của họ là bảo vệ Nam Kinh bằng cả mạng sống hay chỉ đơn thuần là trì hoãn quân Nhật tiến công.[19]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Nam_Kinh http://jds.cass.cn/UploadFiles/zyqk/2010/12/201012... http://www.njrd.gov.cn/jlzg/201502/t20150202_31836... http://www.ibiblio.org/hyperwar/PTO/IMTFE/IMTFE-8.... http://thenankingmassacre.org/2015/07/03/from-shan... http://thenankingmassacre.org/2015/07/04/what-west... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... https://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=38 https://web.archive.org/web/20150709222256/http://... https://web.archive.org/web/20150721163202/http://... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Battle...